Vào năm 1985, sau một thời gian dài thành công với lon coke truyền thống, Coca-cola đã thay thế loại coke cũ bằng một loại coke mới, và đây thật sự là một sai lầm của công ty khổng lồ này…
Vì màu sắc cũng như hương vị coke truyền thống đã được coi là một biểu tượng của nước Mỹ. Cuối cùng, để tránh mất thị phần với Pepsi, công ty đã phải tung trở lại loại “Coca cola cổ điển” đã có từ trước tới giờ.Vào tháng 9/1988, hàng loạt các công ty lớn của nhiều quốc gia đều sử dụng hình ảnh người chạy nhanh nhất hành tinh - vận động viên điền kinh Ben Johnson của Canada trong các chiến dịch quảng cáo khổng lồ của mình.
Nhưng sau đó, vận động biên này đã bị tước huy chương vì bị phát hiện sử dụng doping trong thi đấu. Tất cả những hãng này ngay lập tức đều huỷ bỏ các chương trình quảng cáo có hình ảnh của Johnson, dù đã ký những hợp đồng trị giá hàng triệu USD.
Loại xe hơi Nova của Chevrolet bán rất tốt tại những thị trường khác, nhưng khi được xuất khẩu sang các nước châu Mỹ Latin thì doanh thu lại vô cùng tệ hại. Họ đã tiến hành điều tra nguyên nhân và biết được, sở dĩ khách hàng không mua loại xe này là vì một lý do nghe qua cứ tưởng như đùa; bởi từ “Nova” trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “Không đi được”!
Loại nước hoa sang trọng và cao cấp Opium của Yves St. Laurent không thể bán được cho người Mỹ gốc Hoa ở Mỹ, bởi họ liên tưởng đến thời kỳ thuốc phiện (nghĩa của Opium) đã bị gán ghép cho nền văn hoá của họ bởi người ngoại quốc.
Vào những năm 1960, Hãng PSA Airlines đưa ra một mẫu quảng cáo trong đó những viên phi công của hãng phát biểu rằng: “Chúng tôi cũng lo sợ! Thật đấy!”. Hãng này cho rằng, bằng cách quảng cáo như vậy, khách hàng sẽ có cảm nhận rằng, những viên phi công của hãng cũng rất sợ tai nạn nên sẽ luôn cẩn trọng để đảm bảo cho chuyến bay an toàn. Nhưng việc này lại hoàn toàn phản tác dụng, hành khách đã bỏ PSA Airlines để chọn những hãng hàng không khác, nơi không có những viên phi công “chết nhát” đó.
Nếu có dịp đến thăm Viện bảo tàng và Siêu thị Quốc tế ở Naples, New York, bạn sẽ thấy trên các kệ trưng bày hơn 60.000 sản phẩm tiêu dùng đã từng thất bại, bị người tiêu dùng quay lưng và thị trường không chấp nhận.
Có thể bạn sẽ nhận ra được nhiều thương hiệu trong số đó đã từng một thời làm mưa làm gió trên thương trường. Tất cả số sản phẩm thất bại khổng lồ trên được trưng bày trong Viện bảo tàng cùng với 15.000 sản phẩm đã khẳng định được tên tuổi và thành công trên thương trường.
Theo số liệu điều tra, riêng trong năm 1985, hơn 250.000 dịch vụ, sản phẩm mới được tung ra ở Mỹ, trong số đó có hơn 60.000 dịch vụ, sản phẩm đã phải hứng chịu thất bại. Và hơn một nửa trong số những dịch vụ sản phẩm còn lại có tuổi thọ tồn tại trên thị trường chưa đến năm năm. Cuốn sách “Sự thật về những thất bại trong tiếp thị sản phẩm” là một công trình nghiên cứu để tìm ra những lý do và nguyên nhân thực sự đã làm cho các sản phẩm hay dịch vụ phải gánh lấy thất bại thay vì thành công.
Trong suốt 10 chương của cuốn sách, người đọc được cung cấp hàng loạt trường hợp thất bại từ các công ty Hoa Kỳ đến những công ty khác trên khắp thế giới, từ các công ty hoạt động vì lợi ích lợi nhuận đến các tổ chức phi lợi nhuận. Và tất cả các ví dụ này đều có một điểm chung là: Giúp bạn hiểu rõ sai lầm do đâu và nên làm như thế nào để không phạm phải chúng một lần nữa.
Ở cuối mỗi câu chuyện về thất bại, đều có phần tóm tắt: “Những bài học kinh nghiệm”, nhằm giúp người đọc biết những gì nên học hỏi và làm sao để tránh những sai lầm tương tự.
Theo Chủ tịch và đồng sáng lập Tập đoàn Intel, Adrew Grove thì: Người ta có khuynh hướng đi qua các sai lầm, thất bại và muốn quên đi những sai lầm thất bại đó. Nhưng một lượng lớn những kiến thức quý báu đã mất đi vì chúng ta không chịu phân tích nguyên nhân các thất bại đó để tìm ra những bài học kinh nghiệm hữu ích và thực tế nhằm tránh các thất bại tương tự về sau. Vì vậy, học hỏi được kinh nghiệm và nguyên nhân từ các thất bại là vô cùng cần thiết